Cách điều trị bệnh Tụ huyết trùng ở gà chọi
Bệnh Tụ huyết trùng ở gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có tỷ lệ tử vong cao, diễn biến nhanh. Nếu không can thiệp kịp thời có thể gây chết gia cầm hàng loạt. Để giảm thiểu rủi ro cho người nuôi, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu các nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu nhận biết, bệnh tích và phác đồ điều trị hiệu quả.
Bệnh Tụ huyết trùng ở gà là gì?
Bệnh Tụ huyết trùng trên gà còn được gọi là bệnh gà toi. Đây là một trong những căn bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ chết cao 80-95% tổng đàn. Bệnh do vi khuẩn gây ra và thường phát triển mạnh vào khoảng thời gian giao mùa.
Bệnh Tụ huyết trùng ở gà thường thấy ở độ từ 3 tuần tuổi trở lên. Dù số lượng gà mắc bệnh thường có tỷ lệ thấp và lẻ tẻ nhưng nếu dịch từ bên ngoài lây lan vào thì người nuôi sẽ khó kiểm soát trong thời gian ngắn. Lúc bấy giờ, tỷ lệ gà nhiễm bệnh sẽ trở nên tăng vọt.
Nguyên nhân gây bệnh dịch gà toi
Bệnh Tụ huyết trùng ở gà do một loại vi khuẩn gram âm (-) có tên Pasteurella multocida gây ra. Loại vi khuẩn này thường tồn tại trong môi trường như: không khí, thức ăn, nước uống, chuồng trại,… Khi các điều kiện vệ sinh kém hoặc đàn gà bị stress (đề kháng kém) thì chúng cũng xuất hiện.

Vi khuẩn Pasteurella Multocida có thể phát triển và lây truyền tự phát hoặc thông qua quá trình ăn uống và xâm nhập vào cơ thể qua các đường: hô hấp, tiêu hóa, tiếp xúc với gà bệnh, vết thương ngoài da. Bệnh thường xảy ra đột ngột, diễn biến nhanh và gây tỉ lệ gà chết cao, đặc biệt là ở đầu ổ dịch.
Các triệu chứng điển hình của bệnh Tụ huyết trùng ở gà
Bệnh gà toi thường xảy ra phổ biến nhất vào lúc giao mùa, khi thời tiết thay đổi đột ngột. Bệnh thường xuất hiện ở gà từ 3 tuần tuổi trở lên và phổ biến ở gà 2 tháng tuổi. Hiện nay, có 3 thể bệnh cụ thể như sau:
Thể quá cấp tính
Ở thể này, diễn tiến phát bệnh và gây tử vong rất nhanh mà người nuôi không kịp quan sát rõ triệu chứng. Nếu là người nuôi có kinh nghiệm, bạn sẽ thấy gà bắt đầu với triệu chứng ủ rũ, sốt cao và chết sau đó từ 1-2 giờ. Một số con gà có thể lăn ra chết ngay khi đang ăn hoặc đang đẻ trứng thì chết luôn trên tổ đẻ.
Như vậy, anh em có thể thấy rằng bệnh Tụ huyết trùng ở gà cũng đặc biệt nguy hiểm và người nuôi không nên lơ là. Ngược lại, bạn hãy chịu khó quan sát xác gà chết xem có thấy da gà tím bầm, tích căng, mũi miệng chảy nước nhờn lẫn máu hay không.
Thể cấp tính
Phần lớn gà mắc bệnh Tụ huyết trùng đều mắc thể này. Ban đầu gà có biểu hiện sốt cao (trên 40 độ), bỏ ăn, ủ rũ, lông xù, cánh sã, đi lại lừ đừ chậm chạp (gà rù). Mũi và miệng gà chảy chất nhờn nhớt có bọt lẫn máu màu sẫm. Gà có thể bị tiêu chảy phân màu nâu hoặc trắng, hô hấp kém (khó thở), mào yếm tím và thường chết do ngạt thở.

Thể mãn tính
Gà mắc Tụ huyết trùng mãn tính thường có triệu chứng viêm phúc mạc, viêm khớp mạn tính. Gà bệnh ăn uống, tiêu hóa kém, cơ thể gầy gò, ủ rũ và chất thải thường lỏng, có bọt vàng hoặc trông giống như lòng đỏ trứng.
Dấu hiệu bệnh tích bên trong cơ thể gà bệnh
Các dấu tích bệnh Tụ huyết trùng ở gà được biểu hiện như sau:
- Cơ bắp tím bầm vị bị tụ huyết, thịt gà nhão, mềm, bên dưới da có dịch nhớt, nhày và keo.
- Phổi có tụ máu, viêm; phế quản chứa nhiều dịch nhớt và có bọt màu vàng.
- Gan hơi sưng, bề mặt gan các nốt hoại tử
- Lá lách bị tụ máu, sưng nhẹ
- Niêm mạc ruột viêm, tụ máu, xuất hiện các đám fibrin màu đỏ
- Tim sưng, xoang bao tim chương to, xuất huyết tại lớp mỡ vành tim.
- Có thể thấy viêm khớp hoặc sưng các khớp xương, có chưa dịch màu xám đục.
3 bước điều trị bệnh Tụ huyết trùng ở gà hiệu quả
Bệnh cần được phát hiện sớm thì việc điều trị mới có hiệu quả. Nếu để chuyển sang thể mãn tính thì sẽ khó chữa và mất nhiều thời gian hơn. Chủ nuôi cần thực hiện đủ 3 bước điều trị như sau:
Bước 1: Vệ sinh chuồng nuôi, cách ly gà bệnh
Khi phát hiện bệnh Tụ huyết trùng ở gà, chủ nuôi cần thực hiện vệ sinh, khử khuẩn chuồng nuôi. Bên cạnh đó, bạn cũng cần xử lý, tiêu hủy gà chết, lọc gà ốm và cách ly gà khỏe mạnh.
Bước 2: Sử dụng thuốc đặc trị
Bạn cần sử dụng thuốc kháng sinh để đặc trị bệnh Tụ huyết trùng ở gà bằng 1 trong 2 phác đồ sau:
- Phác đồ 1: Pha vào nước uống hoặc trộn vào thức ăn của gà Bio Amoxillin 10g/100kg P/ngày (dùng trong 3 ngày) hoặc Ampicoli 10g/100kg P/ngày (uống trong 3 ngày). Thậm chí, Mebi Amoxtin AC 1g/1 lít nước uống trong 5 ngày cũng là biện pháp hữu hiệu.
- Phác đồ 2: Để tránh tổn thất khi gà nhiễm bệnh quá cấp tính, bạn cần tiến hành tiêm hàng loạt cho đàn gà bằng Linspec 5/10 hoặc Lincoseotoject (1 ml/3-4 kg gà) 1 lần/ ngày trong 3 ngày liên tục.
Bước 3: Bổ sung vitamin, men tiêu hóa, thải độc gan
- Bổ sung vitamin tổng hợp và vitamin K để cầm máu, tránh xuất huyết
- Giải độc gan, thận cho gà bằng thuốc có chứa Sorbitol và Acid Amin
- Tăng cường điện giải và khoáng chất cho gà khi bị tiêu chảy

Bệnh Tụ huyết trùng ở gà có tốc độ lây lan nhanh và khiến tỷ lệ chết ở gia cầm tăng cao. Do đó, chủ nuôi cần thường xuyên theo dõi đàn gà và tuân thủ các quy định về chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, thức ăn và dinh dưỡng cho gà nuôi. Khi phát hiện gà bệnh, cần thực hiện điều trị theo hướng dẫn ở trên càng sớm càng tốt.